Thông báo

Luật Giáo dục 2019: 10 điểm mới quan trọng áp dụng từ 01/7/2020

Chủ nhật,12/07/2020
3100 Lượt xem

1. Giáo viên cấp 1, 2, 3 đều phải có bằng đại học trở lên

Điều 72 Luật Giáo dục 2019 quy định, trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo như sau:

- Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;

- Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;

- Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ.

Như vậy,  giáo viên tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2), trung học phổ thông (cấp 3) được quy định chuẩn trình độ đào tạo là từ đại học trở lên.

So với quy định hiện hành tại Luật giáo dục 2005 thì Luật mới đã thay đổi về chuẩn trình độ với giáo viên cấp 1 và cấp 2 như sau:

- Giáo viên tiểu học: Từ “Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm” nâng lên thành “Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên”;

- Giáo viên trung học cơ sở: Từ “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm” nâng lên thành “Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”.

Với những giáo viên hiện tại không đủ chuẩn sẽ được phân nhóm để yêu cầu nâng chuẩn.

2. Không bắt buộc tất cả giáo viên tiểu học có bằng sư phạm

Điều 77 Luật giáo dục 2005 quy định trình độ chuẩn của giáo viên tiểu học đó là “Có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm”, điều này có nghĩa giáo viên tiểu học bắt buộc phải có bằng sư phạm (được đào tạo chuyên ngành giáo viên).

Tuy nhiên, Luật giáo dục 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2020) đã có thay đổi quy định về trình độ chuẩn của giáo viên tiểu học đó là:

Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học; trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Như vậy, kể từ ngày 01/7/2020, không phải tất cả giáo viên tiểu học đều bắt buộc có bằng sư phạm.

3. Bỏ phụ cấp thâm niên ra khỏi cơ cấu tiền lương của giáo viên

Luật giáo dục 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định:

Nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.

Luật Giáo dục 2019 quy định: “Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ”.

Như vậy, theo luật mới thì giáo viên sẽ không còn được hưởng phụ cấp thâm niên như quy định tại Nghị định 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011.

Về vấn đề thực tế, có cắt phụ cấp thâm niên của giáo viên từ 01/7/2020 không?  

4. Bổ sung nhiều quy định về chính sách khuyến khích, ưu đãi với giáo viên

So với Luật giáo dục 2005, Luật Giáo dục 2019 bổ sung thêm nhiều quyền lợi cho nhà giáo.

Cụ thể, dành một điều luật để quy định về chính sách đối với nhà giáo, cụ thể như sau:

Một là, nhà nước có chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và nhiệm vụ của mình.

Hai là, nhà giáo công tác tại trường chuyên, trường năng khiếu, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học, trường, lớp dành cho người khuyết tật, trường giáo dưỡng hoặc trường chuyên biệt khác, nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập được hưởng chế độ phụ cấp và chính sách ưu đãi.

Ba là, nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về chế độ phụ cấp và các chính sách khác đối với nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

5. Quy định trường hợp cử nhân sư phạm phải hoàn trả học phí

Đây là quy định hoàn toàn mới so với Luật Giáo dục 2005, theo đó:

Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ.

Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.

6. Cấm giáo viên, giảng viên hút thuốc trong trường học

Đây là nội dung mới đáng chú ý, bởi hiện hành, tại Luật Giáo dục 2005 chỉ quy định về việc nghiêm cấm người học hút thuốc, uống rượu, bia trong giờ học mà không đề cập đến giáo viên, giảng viên.

Nay tại Điều 22, Luật Giáo dục 2019 quy định hút thuốc là hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục không phân biệt đối tượng nào.

7. Sẽ có lộ trình miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh THCS

Ngoài việc miễn học phí cho học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập và trẻ em mầm non 05 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí; Luật Giáo dục 2019  còn đưa ra quy định về lộ trình miễn học phí cho các đối tượng khác.

Cụ thể, trẻ em mầm non 05 tuổi không thuộc đối tượng quy định nêu trên và học sinh trung học cơ sở được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định.

8. Trượt tốt nghiệp THPT được xác nhận hoàn thành chương trình

Đây là quy định mới tại Luật Giáo dục 2019, theo đó:

Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông khi người học có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.

9. Mỗi môn học phổ thông sẽ có một hoặc một số sách giáo khoa

Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa; việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tài liệu giáo dục địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức biên soạn đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương, được hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

10. 03 trường hợp văn bằng nước ngoài được công nhận

Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận để sử dụng tại Việt Nam trong trường hợp sau đây:

- Trường hợp 1: Văn bằng do cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài cấp cho người học sau khi hoàn thành chương trình giáo dục bảo đảm chất lượng theo quy định của nước cấp bằng và được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó công nhận;

- Trường hợp 2: Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại nước khác nơi cơ sở giáo dục đặt trụ sở chính cấp cho người học, được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của 02 nước cho phép mở phân hiệu hoặc thực hiện hợp tác, liên kết đào tạo và đáp ứng quy định tại Trường hợp 1.

- Trường hợp 3: Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam cấp, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định về hợp tác, đầu tư về giáo dục do Chính phủ ban hành, theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền và đáp ứng quy định tại Trường hợp 1.

Quý Nguyễn, nguồn: https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/29462/luat-giao-duc-2019-10-diem-moi-quan-trong-ap-dung-tu-01-7-2020, ngày 10/7/2020 (MH trích dẫn)

Bình luận facebook
Có thể bạn quan tâm